Hầu hết các dịch vụ môi giới mua bán hoặc cho thuê nhà đất nhỏ lẻ hiện nay trên thị trường bất động sản đều không ký hợp đồng môi giới trước mà chỉ thỏa thuận phí hoa hồng bằng miệng. Khi thương vụ thành công, gia chủ và người mua tìm cách “bắt tay” nhau qua mặt môi giới. Nhiều nhân viên môi giới đã tìm “luật rừng” để giải quyết vụ việc.
Anh Liêm, nhân viên môi giới nhà đất ở quận 2, cho biết vị khách VIP làm ở một cơ quan lớn của Nhà nước dừng lại căn biệt thự rộng 400m2, trị giá 22 tỷ. Anh Liêm thương lượng giá cả, phương thức thanh toán xong, chắc là trúng “miếng bánh” lớn khi phí hoa hồng tới 122 triệu đồng. Thế nhưng, từ khi báo cho người mua gia chủ đã đồng ý bán và đợi thời gian, địa điểm đặt cọc thì người mua “lặn không sủi tăm”.
Ngại ngùng với những cú điện thoại liên tiếp của anh Liêm, ông khách buộc phải nghe và cho biết không thu xếp đủ tiền nên hoãn mua. Là một người có thâm niên trong nghề nhưng anh Liêm không lường được vị khách VIP của mình lại “chơi bẩn” đến thế. Anh dẫn khách hàng mới đến xem ngôi nhà trên thì bất ngờ gặp vị khách VIP cũ đã là chủ nhân ngôi nhà anh từng giao dịch hụt. “Gặp lại khách cũ, tôi quá bất ngờ, cảm giác tức giận trào sôi và rất tủi thân”. Anh Liêm than thở, khách hàng đâu biết nghề môi giới cực khổ thế nào; thị trường ảm đạm, dẫn vài chục khách mới hy vọng có một vụ mua bán thành, có khi vài tháng không có giao dịch nào thành công. Vậy mà họ còn ăn chặn mồ hôi công sức của môi giới thật trắng trợn. Thà rằng họ cũng nghèo khó cho cam... Số tiền hoa hồng trên thật sự lớn so với nhiều người, nhưng rất nhỏ so với tài sản một đại gia như họ.
Chị Thuận, một nhân viên môi giới không ngại ngần “tố” một khách hàng đặc biệt của mình. Khách hàng của chị là một bác sĩ tâm lý nữ xinh đẹp, ngoài 40 tuổi nhưng vẫn độc thân, sinh ra trong một gia đình Việt kiều giàu có. Sau một lần chị Thuận dẫn đi xem căn hộ An Khang, khách đồng ý mua liền. Người này bảo chị Thuận sắp lịch với chủ đầu tư để 9 giờ 30 ngày hôm sau đặt cọc. Đến 8 giờ ngày hôm sau, chị Thuận gọi điện thoại thì khách không nghe mặc dù gọi rất nhiều lần. Đến giờ đặt cọc chị mới biết khách đã tìm cách liên lạc với giám đốc sàn giao dịch của chủ đầu tư để ăn chặn phí hoa hồng của nhân viên môi giới. Sau nhiều giờ giằng co, vị khách mà chị Thuận nhiệt tình dẫn đi xem nhà ngay cả ngày chủ nhật trời mưa tầm tã đã không ngượng ngùng thốt lên: “Em đừng tưởng với người nhiều tiền thì mười mấy triệu không quan trọng, bao nhiêu thì cũng là tiền”!
Anh Nguyễn Minh, nhân viên môi giới một công ty nhà đất đường Trần Não (Q2), cho biết một vụ ẩu đả không nương tay mới xảy ra đang báo hiệu thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn về trật tự xã hội. Một nhân viên môi giới phát hiện khách “qua mặt” một cách trắng trợn để cướp công sức dẫn khách, lo giấy tờ. Ấm ức, nhân viên này đã thuê hai tay “anh chị” gặp chủ nhà “giải quyết” cho bõ tức. Kết thúc trận ẩu đả, chủ nhà phải đi cấp cứu. Được biết, nhân viên môi giới trên là người có máu mặt, tên tuổi ở làng môi giới quận 2. Bất cứ vụ nào nghi ngờ khách hàng “lật kèo” hoặc nhân viên môi giới “đánh lẻ” giao dịch ngầm ở ngoài, chỉ cần nhờ “đại ca” là truy tìm ra hết. Nếu cần họ có thể “xử đẹp” giùm luôn! Giám đốc một sàn bất động sản trong dự án An Phú An Khánh thừa nhận, trên thị trường gần đây xảy ra khá nhiều vụ tranh chấp hoa hồng của môi giới dẫn đến ẩu đả gây thương tích. “Thị trường ảm đạm khó khăn lắm mới giao dịch được một sản phẩm, thế nhưng khách hàng còn qua mặt. Ức chế, nhiều nhân viên dùng “luật rừng” để dằn mặt khách”.
Có rất nhiều chiêu để chủ nhà và người mua bắt tay nhau ăn chặn tiền môi giới. Nhiều nhân viên môi giới cho biết những thương vụ bị khách “qua mặt” thì vô kể. Mỗi nhân viên có hàng trăm sản phẩm mà hầu hết là môi giới không độc quyền, chủ gửi nhiều công ty bán, người mua cũng khảo sát nhiều công ty nên khó kiểm soát, khách qua mặt rất dễ. Nhà lẻ, nhà đang có chủ ở rất dễ bị qua mặt.