Tin tức - Sự kiện

Giá cát xây dựng liên tục "nhảy múa" sau chiến dịch xử lý cát tặc

Từ cuối tháng 3 đến nay, khi chiến dịch triệt xóa cát tặc được đồng loạt đẩy mạnh trên cả nước cũng là lúc giá các loại cát xây dựng tăng chóng mặt từng ngày.

Giá cát vàng dùng đổ bê tông hiện đã được bán tại chân công trình với giá trên dưới 600 ngàn đồng/m³; cát xây, tô có giá 450/m³ và cát đen dùng san lấp mặt bằng giao tại chân công trình hiện cũng đã ở mức 200 ngàn đồng/m³, cao gấp hơn 2 lần so với cách đây 2 tháng.

Giá cát tăng cao, loại vật liệu xây dựng này được các chủ bãi cát và DN, cửa hàng cung ứng tại TP Hồ Chí Minh báo giá áp dụng cho từng ngày, thậm chí là thay đổi giá trong một vài giờ giống như giá vàng hoặc ngoại tệ.

Giá bán cát bê tông được khai thác từ lòng sông Đồng Nai hiện đã vọt lên mức 600 ngàn đồng/m³.

Trong vai người đi tìm nguồn cung cấp cát cho một công trình lớn, PV tìm đến một số vựa cát lớn ven các tuyến sông với yêu cầu giá cát cung cấp cố định trong từng tháng nhưng đều bị các chủ vựa từ chối.

Thậm chí điều kiện đặt ra là cung cấp lượng cát lớn, mỗi tuần thanh toán theo giá cố định một lần cũng không được đáp ứng. Các chủ vựa cát đều nêu ra một công thức chung là giá cung cấp phải tính theo từng ngày, gọi chở đến công trình ngày nào tính theo giá ngày đó.

Ông Biên ở Gò Vấp, người vừa đầu tư xây dựng 2 lô nhà cao tầng làm khu trọ cho biết ông mới mua cát bê tông giá 500 ngàn/m3 tuần trước, tuần này chủ bãi báo giá tăng thêm cả trăm ngàn.

Ngoài chuyện chủ đầu tư phải chi phí thêm một khoản không nhỏ cho công trình xây dựng, thời điểm giá cát tăng cao, việc gọi mua cát cũng hết sức khó khăn. Người xây nhà phố mặt bằng chật hẹp, phải chứa cùng lúc nhiều loại vật liệu nên chỉ có thể gọi một xe vài khối mỗi lần nên thợ xây dựng thường xuyên phải ngồi chơi xơi nước chờ cát tới.

Chung tình trạng này, gần đây các nhà thầu xây dựng lớn nhỏ tại thành phố đều đau đầu trước tình trạng giá cát tăng chóng mặt, phải lo chạy đôn chạy đáo để tìm nguồn cung ứng. Giá cát càng tăng cao, chủ vựa cát càng có cớ để găm hàng, tạo thêm khan hiếm, đẩy giá bán trong lúc tiến độ công trình đã cam kết không thể dừng lại hoặc thi công cầm chừng do thiếu cát.

Ông Thái Dũng, một chủ thầu xây dựng ở quận 12 cho hay, hiện nguồn cát khai thác từ khu vực miền Tây chở lên thành phố vẫn dồi dào, giá lại mềm nhưng không được chủ công trình cho đưa vào xây dựng. Lý do, cát ở khu vực này đều có màu xám bùn, hạt  mịn. Chủ thầu chỉ còn biết lo tìm nguồn cát vàng được người dân quen dùng, đa phần khai thác từ hệ thống sông Đồng Nai.

Không có nguồn thay thế, chủ thầu phải nhắm mắt mua cát sông Đồng Nai với giá cao về làm. Bằng không để thợ chơi chờ cát còn tốn hơn nhiều, lại lo bị chủ đầu tư phạt do chậm tiến độ giao nhà.

Chưa hết, thời điểm cát vàng khan hiếm, mỗi lần gọi cát về, ông Dũng phải chờ người giám sát của chủ đầu tư đến nếm thử xem có bị trộn cát mặn hay không mới được đưa vào làm.    

Số liệu được ông Lương Văn Hùng, chuyên viên Vụ Vật liệu xây dựng đưa ra, thì chỉ riêng khu vực TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai, nhu cầu tiêu thụ cát đã lên tới 10 triệu m3/năm. Số lượng này sẽ còn tăng cao khi hàng loạt các công trình lớn trong khu vực được đẩy mạnh thi công.

Một đánh giá được Vụ Vật liệu xây dựng nêu ra trước đây còn cho thấy, nguồn cát từ các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu. Do đó 1/3 lượng cát còn lại là do các nguồn trôi nổi hoặc do cát tặc cung ứng. Nay cát tặc bị dẹp, nguồn cung khan hiếm cũng là điều dễ hiểu.

Trong lúc các địa phương khu vực TP Hồ Chí Minh còn chưa tìm ra giải pháp để tăng nguồn cung, hạ nhiệt giá cát thì ngày 26-5 vừa qua, lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã thống nhất ngưng cho khai thác cát với thời gian 3 tháng tại 13 dự án đã được cấp phép ở thượng nguồn sông Đồng Nai.

Lý do được đưa ra để ngưng việc cho khai thác cát hết sức đơn giản: Các cơ quan có trách nhiệm không thể kiểm soát được công suất khai thác thực tế so với giấy phép đã cấp. Thậm chí, một lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai còn nêu lý do là việc cấp phép khai thác theo kiểu chia nửa con sông theo địa giới hành chính như lâu nay là rất khó kiểm soát; doanh nghiệp được cấp phép ở Lâm Đồng nhưng luồn vòi hút qua địa phận Đồng Nai để hút cát.

Nhưng về lâu dài, nguồn cát phục vụ nhu cầu xây dựng ở khu vực TP Hồ Chí Minh cũng chẳng thể trông chờ vào các dự án khai thác cát đang bị tạm đình chỉ trên. Bởi dự án khai thác lâu nhất, cũng chỉ còn có thể kéo dài được đến năm 2021 nên các tỉnh, thành cần khẩn trương rà soát quy hoạch, đẩy mạnh khai thác cát từ các dự án được cấp phép để kéo giảm giá cát trên thị trường.

Đặc biệt là để chấm dứt tình trạng phi lý: Người dân phải mua cát xây dựng với giá quá cao, ngân sách không thu được mức tương xứng từ nguồn tài nguyên khổng lồ này.