Tin tức - Sự kiện

Sống ở chung cư, lo con... thất học

Hà Nội có nhiều khu đô thị ken dày những chung cư đã được đưa vào sử dụng, được quảng cáo mang tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn không có trường học, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học. Thế nên, ông bà, cha mẹ cứ đang phải chấp nhận hai “kịch bản” để con mình được đến trường. Một, cho con học trái tuyến, hai, “bấm bụng” cho con học tại các trường tư thục với chi phí cao. Thậm chí, nhiều người phải cùng con “trốn chạy” về các làng xã lân cận để lấy kiến thức.

Không đủ chỗ học
 
Theo khảo sát thực tế: khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là một trong những nơi có mật độ dân số cư cao nhất thủ đô. Tại phường Hoàng Liệt, trên diện tích lô đất chỉ khoảng 5ha có 12 cao ốc chung cư HH đã khiến khu vực tăng thêm khoảng 30.000 dân. Đi sâu vào trong khu vực bán đảo Linh Đàm, còn có 16 tòa nhà cao 11 tầng xây dựng từ năm 2001, có khoảng gần 2.000 căn hộ. Cộng với các tòa VP2, VP3, VP4, VP5… mới xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015, 2016 có khoảng gần 2.000 căn hộ. Ngoài ra, khu vực dự án Tây Nam Linh Đàm vừa mới xây dựng và hiện vẫn đang hoàn thiện một số tòa chung cư, trong đó có 9 tòa chung cư là nhà ở xã hội đã bán hết, cộng với 4-5 tòa chung cư thương mại, ước tính khoảng trên 3.000 - 4.000 căn hộ.
 
Trong 5 năm trở lại đây, chung cư cao tầng mọc lên chi chít, tuy nhiên hệ thống trường lớp thì vẫn vậy. Trong một hội nghị về công tác giáo dục mầm non (do quận Hoàng Mai tổ chức) mới đây, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai và phường Hoàng Liệt cùng chỉ ra thực tế, trẻ em ở khu vực phường Hoàng Liệt, đặc biệt là trong các tòa nhà HH Linh Đàm khá thiệt thòi so với trẻ em ở nơi khác là không đủ chỗ học, số trẻ chưa được đi học cao hơn hẳn so với nơi khác.Theo thống kê, năm 2017 trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 3 trường mầm non và hơn 50 cơ sở mầm non tư thục. Toàn phường có 52.000 hộ dân, với số trẻ trong độ tuổi từ 0-5 tuổi là hơn 8.000 trẻ.
 
Không giấu được khó khăn trong việc tìm nơi học cho con, chị Nguyễn Thị Oanh (32 tuổi, đang sống tại tòa chung cư Rainbow, lô CT2, khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm - phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng, gia đình chị có một cháu nhỏ sắp vào lớp 1 nhưng chưa biết cho con học ở trường nào. “Hôm trước, chúng tôi cũng chạy qua một vài trường công lập trên địa bàn để dò hỏi xin cho con đến lớp. Tuy nhiên, những trường này đều từ chối, vì trường đã hết chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng đã đủ không thể nhận thêm được”. Theo chị Oanh, nếu trường hợp mà không được thì đành phải tìm đến trường ở phường bên cạnh.
 
Mật độ nhà chung cư ken dày cũng ở khu vực phía tây Hà Nội. Tại KĐT Mễ Trì Hạ nằm bên đường Phạm Hùng với hàng trăm căn hộ tái định cư, những tòa chung cư cao tầng và nhà biệt thự khang trang, nhưng chỉ có khoảng 4-5 trường mầm non tư thục dành cho trẻ nhỏ với giá đắt đỏ. Nhiều phụ huynh buộc phải đưa con về quê ở cùng ông bà để đỡ phải gửi trường tư.
 
Còn KĐT Nam Trung Yên, hàng chục tòa nhà cao tầng đã mọc lên nhưng hai khu đất quy hoạch xây trường, hiện đang được khoanh tôn để làm bãi trông giữ xe. Trên địa bàn quận Cầu Giấy, ước tính hiện vẫn còn tới hàng chục khu đất quy hoạch xây dựng trường học từ mầm non đến THPT nhưng vẫn chưa được triển khai xây dựng.
 
Hàng chục khu chung cư cao tầng đã hoàn thành và đang xây dựng trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), nhưng không có trường học đi kèm.
 
 
Chính quyền thả nổi quy hoạch, con trẻ lãnh đủ
 
Tại khu vực Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), anh Chu Kh (một người dân sống tại chung cư gần khu vực này) chia sẻ: Khi đi họp phụ huynh cho con tại Trường THCS An Khánh (Hoài Đức), nhà trường thông báo là do cư dân về ở An Khánh tăng đột biến, trong khi cơ sở vật chất của trường có hạn nên từ năm học 2017-2018 trở đi, đầu vào của nhà trường sẽ không nhận những học sinh không có hộ khẩu ở An Khánh. Theo anh Chu Kh, không chỉ riêng Trường THCS An Khánh, mà các trường tiểu học công trên địa bàn đều có thông báo này. Anh Kh chia sẻ: “Theo cô giáo chủ nhiệm, từ năm học 2018-2019 trở đi, nhà trường sẽ không nhận tuyển sinh đầu vào là các em ở các khu chung cư (kể cả đã nhập hộ khẩu về An Khánh) mà chỉ nhận các con em ở các khu dân cư truyền thống”.
 
Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Phan Minh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Hoài Đức - cho rằng: Đến thời điểm này, tại các khu đô thị, chung cư trên địa bàn Hoài Đức chưa có một chủ đầu tư nào xây dựng trường học.
 
Ông Minh cho rằng: Các chỉ tiêu về mạng lưới trường học tại huyện Hoài Đức cơ bản đảm bảo yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ, học sinh đối tượng dân số ở các làng, xã truyền thống. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực tế về học tập của học sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay còn một số xã do dân số cơ học tăng nhanh, hạ tầng trường học trong các KĐT, chung cư chưa có nên nhu cầu được học trường công lập của học sinh gặp khó khăn, hệ thống trường công lập hiện có tại các xã nêu trên chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, ví dụ như An Khánh, Đức Thượng, thị trấn Trạm Trôi, Kim Chung.
 
Khi được thông tin việc các giáo viên nói như phản ánh của người dân, ông Minh cho rằng, đó là do cách giải thích chưa hợp lý. “Khi gia đình có hộ khẩu ở địa phương, tất yếu là con em sẽ được đi học tại địa phương đó. Tuy nhiên, trường hợp dân số cơ học tăng, nhà trường không đáp ứng đủ thì cần phải có kiến nghị rõ ràng tới chính quyền, cấp trên, người dân và chủ đầu tư xây dựng chung cư trên địa bàn để cùng nhau chia sẻ, cùng giải quyết” - ông Minh nói.
 
Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức - đã ký văn bản kiến nghị, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở, nghành có biện pháp yêu cầu các khu đô thị, chung cư cần xây dựng hạ tầng trường học song song với xây dựng chung cư, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân khi chuyển đến sinh sống tại đó. Nhằm giảm sức ép đối với các trường công lập có trên địa bàn và nâng cao chất lượng đào tạo.
 
Trao đổi với chúng tôi, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng: Để xảy ra tình trạng tăng đột biến dân số trong các quận nội đô Hà Nội, nhất là khu vực có tốc độ phát triển nhanh là do TP.Hà Nội chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch, điều tiết, phân bố dân cư. Hiện nay còn thiếu giám sát kiểm tra thường xuyên để phát hiện vấn đề. Việc thiếu giám sát này thể hiện ở phân công phân cấp vào cấp thành phố và cấp quận, huyện không rõ ràng.
 
Theo ông Nghiêm, vấn đề xã hội hóa giáo dục là một vấn đề quan trọng. Vấn đề ở đây là sự hài hòa giữa xã hội hóa với quyền lợi của tuổi trẻ để được phổ cập giáo dục. “Cần phải cân nhắc cái nào xã hội hóa, cái nào Nhà nước phải đầu tư. Ví dụ giữa trường công và trường tư ở Hà Nội chỉ là 50/50. Toàn bộ trường công lập chỉ đảm bảo 60%, còn lại hệ dân lập, chứng tỏ thiếu một tầm nhìn xa để đảm bảo cân đối được các hộ khẩu” - ông Nghiêm nói.
 
Cũng theo ông Nghiêm, tại hầu hết các dự án phát triển nhà ở, khu chung cư, KĐT, tiến độ xây dựng trường học đều có tốc độ “rùa bò” do chính quyền đã phần nào thả nổi chủ đầu tư trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhất là tiến độ xây dựng hạ tầng xã hội. Với cơ chế hiện nay, ngành giáo dục không can thiệp được vào tiến độ của các dự án mà trách nhiệm thuộc về địa phương.
 
Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho hay, sở đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội để đề nghị xây trường. Hiện nay, Hội đồng nhân dân đang đi giám sát các quận, huyện để thống kê tình trạng này chuẩn bị chất vấn trong kỳ họp tới. “Về phía sở thì sở không thể xây trường được, chỉ có kiến nghị để thành phố và các sở khác làm việc này” - ông Quang nói.