Thay vì phát triển những dự án đã quá nhiều và quen thuộc trên thị trường, nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nên mạnh dạn thay đổi và đưa ra những sản phẩm dựa trên xu hướng trong tương lai, có thể là 5 năm, hay 10 năm tới.
Đó là chia sẻ của ông Rudolf Hever - Giám đốc, Savills Hotels Châu Á – Thái Bình Dương tại tọa đàm với chủ đề “Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội, rủi ro” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Theo đại diện của Savills Hotels Châu Á – Thái Bình Dương gợi ý, ngoài các loại dự án nghỉ dưỡng quen thuộc như dự án khách sạn theo kiểu phong cách địa phương hoặc những dự án căn hộ khách sạn thì chúng ta có rất nhiều mô hình khác như mô hình Resort Spa & Wellness, là dạng resort không chỉ cung cấp spa hay yoga mà tích hợp cả việc cung cấp trị liệu mà khách hàng có thể ở đó lâu ngày hơn; Mô hình giới hạn dịch vụ, phục vụ những khách hàng chỉ cần một phòng ngủ tốt thay vì quá nhiều tiện ích kèm theo như các khách sạn hạng sang; Khách sạn Business và ứng dụng công nghệ,,,
Những mô hình mới này sẽ làm cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn và có thể thu hút nhiều du khách đến Việt Nam thêm nữa, ông Rudolf nói.
Nghiên cứu của đơn vị này cho thấy, khi nhìn vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, đa số các nhà đầu tư đều nhìn vào phân khúc bất động sản cao cấp hạng sang. Chỉ tính 3 thương hiệu khách sạn lớn như Hilton, InterContinential &Sofitel ở Hà Nội có 3 dự án cao cấp hạng sang, còn ở Bangkok là 5 khách sạn. Đối với dự án trung cao cấp giới hạn dịch vụ thì Hà Nội chỉ có 1 trong khi ở Bangkok có đến 9 dự án như vậy.
Rất nhiều chủ đầu tư ở Việt Nam đang rất quan tâm đến phân khúc bất động sản hạng sang nhưng những phân khúc trung cấp và phân khúc giới hạn dịch vụ, phục vụ đa dạng khách hàng thì có vẻ như chúng ta đang bỏ quên, vị này nói.