Gần đây, hàng loạt dự án gắn mác “công trình xanh” được nhiều chủ đầu tư quảng bá ra thị trường khiến người mua nhà có cảm giác quen tai. Tuy nhiên, thế nào là dự án xanh đúng nghĩa thì không phải ai cũng nắm rõ.
Có phải cứ nhiều cây là dự án xanh?
Không ít người cho rằng dự án bất động sản xanh chỉ là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt,…
Tuy nhiên, theo chuyên gia trong ngành, điều này chưa hoàn toàn đúng. Cây xanh tuy giúp ích rất nhiều cho công trình trên nhiều khía cạnh khác nhau như tạo ra không khí trong lành và góp phần làm giảm năng lượng sử dụng để làm mát công trình. Song, chỉ trồng cây xanh thì không đủ để giúp công trình đạt các chứng nhận công trình xanh, mà cần phải thực hiện nhiều giải pháp nữa.
Một công trình được gọi là xanh thì công trình đó phải được một tổ chức gọi là Hội đồng Công trình xanh chứng nhận. Tại Việt Nam hiện nay có 3 tiêu chuẩn công trình xanh phổ biến, đó là LEED (Mỹ), Green Mark (Singapore) và LOTUS (Việt Nam).
Trong đó, mỗi hệ thống công trình xanh đều có những yêu cầu khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tựu chung lại, có 5 nhóm yêu cầu, bao gồm năng lượng, nước, vật liệu, chất lượng không khí trong nhà và vị trí bền vững.
Việc đáp ứng cả 5 nhóm tiêu chí này khiến công trình xanh không chỉ tốt cho môi trường mà còn rất có lợi cho nhà đầu tư và người sử dụng.
Về môi trường, việc tiết kiệm điện nước cũng như vật liệu giúp giảm đáng kể nguồn ô nhiễm và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã cạn kiệt.
Còn chủ đầu tư và người sử dụng sẽ hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận hành. Ngoài ra, chất lượng không khí trong nhà còn đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và tăng năng suất làm việc.
Trình tự để được công nhận
Để công trình đạt được chứng nhận, trước hết quá trình thiết kế phải đảm bảo công trình tuân theo các tiêu chí của hệ thống công trình xanh được lựa chọn.
Sau đó, trong quá trình thi công, nhà thầu cần phải thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng.
Đồng thời, việc mua sắm vật liệu thiết bị cũng phải đảm bảo các tiêu chí xanh.
Cuối cùng, công trình xanh cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định trong quá trình vận hành nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và giảm thiểu rác thải vốn đã được thiết kế và xây dựng trước đó.
Xu hướng hay trào lưu?
Theo ghi nhận, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí, tuổi thọ công trình dài hơn. Trong khi đó, chi phí vận hành giảm rất nhiều so với các dự án thông thường.
Bên cạnh đó, những dự án bất động sản là công trình xanh còn thu hút nhiều khách hàng mua nhà, đẩy nhanh khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Nhìn thấy được những lợi ích rõ ràng cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn xây dựng thêm nhiều dự án xanh. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa chú trọng đến các chiến lược phát triển dự án xanh dài hơi để mang lại lợi ích lâu dài thực thực cho người sử dụng. Thậm chí, số dự án được quảng bá gắn mác xanh nhưng lại rất khó để kiểm định chất lượng. Mục đích duy nhất mà các dự án này nhắm tới là để bán được hàng thoát ế, dễ gây nhầm lẫn và hoang mang cho người mua nhà.
Do đó, chỉ khi nào các chủ đầu tư cân bằng được bài toán lợi ích giữa chi phí bỏ ra đầu tư dự án và lợi ích của người mua nhà thì số lượng công trình xanh đạt chuẩn của Việt Nam mới mong được cất cánh.